Suy thận mạn là những bất thường về cấu trúc hay chức năng thận tiến triển mạn tính kéo dài trên 3 tháng. Tình trạng này khiến cho mức lọc cầu thận giảm dần theo thời gian, rối loạn sự cân bằng của nội môi dẫn đến hàng loạt các biến loạn về lâm sàng và sinh hóa của các cơ quan trong cơ thể.
Suy thận mạn là những bất thường về cấu trúc hay chức năng thận tiến triển mạn tính kéo dài, dẫn đến các rối loạn về chuyển hóa. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của người bệnh có vai trò rất quan trọng.
Người bệnh suy thận mạn có các rối loạn chuyển hóa gây ảnh hướng đến tình trạng dinh dưỡng như suy dinh dưỡng do thiếu Protein – năng lượng, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa Calci, Magie, Phospho,…
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian phải chạy thận đồng thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh thận mạn hay đợt cấp suy thận mạn và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến đến suy thận mạn giai đoạn cuối.
Nguyên tắc dinh dưỡng chung cho người mắc bệnh thận mạn trước khi điều trị thay thế thận
- Giàu năng lượng, hạn chế protein, đủ protein tối thiểu cần thiết, đặc biệt là các acid amin thiết yếu. Năng lượng 30 – 35 kcal/kg, tỷ lệ năng lượng: Bột đường (50 – 60%), chất béo (25 – 30%), đạm (< 10% tổng năng lượng).
- Đủ vitamin và các yếu tố vi lượng.
- Đảm bảo cân bằng nước, muối, ít Phosphat, giàu Calci.
- Chế biến hợp khẩu vị.
Thực phẩm không nên dùng cho người bệnh suy thận mạn
- Thực phẩm nhiều Kali (đối với người bệnh suy thận giai đoạn nặng có giảm lượng nước tiểu hay tăng Kali/máu) như nho khô, chuối khô, thanh long, trái bơ,… Rau lá xanh đậm (rau ngót, rau đay, dền, rau muống,…) nấm mèo, các loại đậu, giá đỗ.
- Chất béo có hại, thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa như lòng đỏ trứng, bơ, phômai, mỡ, gan, tim, dầu dừa,…
- Thực phẩm có nhiều Phospho, tôm khô, lá lốt, lòng đỏ trứng, nấm đông cô, đậu nành, hạt sen khô, thịt bò,…
- Thực phẩm có nhiều muối Natri như dưa, cà, mắm, cá khô, tôm khô, trứng vịt muối, bánh mì, mì ăn liền, khoai tây chiên,…
- Tránh rượu, bia, thuốc lá, các loại quả chua.
- Không nên uống quá nhiều nước vì sẽ làm cho cơ thể phù nhiều hơn, huyết áp khó kiểm soát. Lượng nước uống trong ngày là: 300 – 500 ml + lượng nước tiểu/24h.
- Tránh uống các loại lá, rễ cây, thuốc gây quá tải cho thận.
Thực phẩm nên dùng cho người bệnh suy thận mạn
- Ăn nhạt: Khi có phù hoặc cao huyết áp, lượng muối hàng ngày thay đổi tùy theo tình trạng bệnh. Chỉ nên ăn tối đa 3 gram/ngày tương đương với 15 ml nước mắm (trong trường hợp không theo thực đơn cụ thể). Gia vị nên chọn thực phẩm ít muối, nên đọc nhãn thực phẩm trước khi mua.
- Thực phẩm giàu đạm động vật, ít béo: Thịt nạc các loại, tôm. Lượng đạm tùy thuộc vào giai đoạn suy thận.
- Nên chọn các ngũ cốc có lượng đạm thấp như miến, khoai củ, bột sắn. Nên ăn gạo, mì tối đa 200 gram/ngày từ theo mức độ suy thận. Khi suy thận càng nặng thì lượng gạo, mì càng ít hơn.
- Nên chọn các loại rau có hàm lượng đạm thấp như dưa chuột, bầu, bí, su hào, rau cải,…
- Nên tăng cường ăn các loại thực phẩm và dầu ăn chứa nhiều acid béo không no và omega 3.
- Bổ sung vitamin từ trái cây chín ngọt.
- Chọn loại sữa dành riêng cho người bệnh suy thận (Nepro 1, Nepro 2).
Người bệnh suy thận nên đi tái khám định kỳ để được Bác sĩ theo dõi, đánh giá, kê đơn thuốc và tư vấn chế độ ăn uống hợp lý, phù hợp giai đoạn bệnh, không nên tự ý điều trị các thuốc dân gian dễ gây các biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe.